Hoạt động chính trị John_Lennon

Xem thêm: Bed-In
Buổi thu âm ca khúc "Give Peace a Chance" trong thời kỳ Bed-In ở khách sạn Queen Elizabeth Hotel, Montreal, Canada

Lennon và Ono dành hết kỳ trăng mật của mình cho chiến dịch "Bed-In for Peace" ở Amsterdam Hilton Hotel; tới tháng 3 năm 1969, sự kiện bắt đầu gây được sự chú ý từ các phương tiện truyền thông[177][178]. 3 tháng sau, chiến dịch Bed-In lần thứ 2 được tổ chức tại Queen Elizabeth Hotel ở Montreal[179] và tại đây, Lennon viết nên ca khúc "Give Peace a Chance". Được phát hành dưới dạng đĩa đơn, ca khúc này nhanh chóng trở thành thánh ca cho phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của những người tuần hành tại Washington D.C ngày 15 tháng 11[180][181]. Tới tháng 12, họ cùng trả tiền để dán khẩu hiệu "War Is Over! If You Want It" trên các bảng hiệu ở 10 thành phố lớn trên thế giới (bằng tiếng địa phương)[182].

Cuối năm, đôi vợ chồng ủng hộ những nỗ lực của gia đình James Hanratty, bị kết tội giết người vào năm 1962, nhằm chứng minh mình vô tội[183]. Những người kết tội Hanratty bị Lennon lên án "như những kẻ mang súng tới Nam Phi để giết những người da màu trên phố... Những kẻ như vậy thì họ có quyền, và họ có thể làm mọi thứ, đó quả là những thứ rác rưởi của xã hội tư bản."[184] Tại Anh, Lennon và Ono đã đi cổ động khẩu hiệu "Britain Murdered Hanratty"[gc 12], cùng với đó là đề xuất "Silent Protest For James Hanratty"[gc 13][76], rồi sản xuất một bộ phim tài liệu dài 40 phút cho chiến dịch. Sau khi bị gọi lên tòa phúc thẩm một năm sau đó, bản án dành cho Hanratty vẫn được giữ nguyên[185] sau khi những xét nghiệm ADN/DNA cho kết quả tương đồng[186]. Gia đình Hanratty vẫn tiếp tục làm đơn phúc thẩm vào năm 2010[187].

Lennon và Ono cũng ủng hộ các công nhân của hãng UCS[gc 14] ở vùng đô thị Glasgow – Clydeside – vào năm 1971 với việc gửi cho họ một bó hoa hồng lớn cùng tờ séc trị giá 5.000£[188]. Sau khi chuyển tới New York vào tháng 8 cùng năm, họ kết bạn với 2 trong số các thành viên của nhóm Chicago Seven và 2 nhà hoạt động hòa bình từ Youth International Party là Abbie Hoffman và Jerry Rubin[189]. Một nhà hoạt động hòa bình trẻ tuổi khác, John Sinclair, nhà thơ và đồng sáng lập White Panther Party, thì bị kết tội tù 10 năm do bán 2 tép cần sa trước khi có luật cho phép tàng trữ ma túy[190]. Tháng 12 năm 1971 tại Ann Arbor, Michigan, 15.000 người đã xuống đường biểu tình ủng hộ ông trong phong trào "John Sinclair Freedom Rally", trong đó có buổi hòa nhạc có sự tham gia của Lennon, Stevie Wonder, Bob Seger, Bobby Seale của Black Panther Party và nhiều nghệ sĩ khác nữa[191]. Lennon và Ono, hát cùng với David Peel và Rubin, đã trình diễn 4 ca khúc acoustic trích từ album Some Time in New York City trong đó có cả bài "John Sinclair" mà phần lời của nó được viết nhằm kêu gọi trả tự do cho Sinclair. Sau đợt biểu tình, Thượng viện bang Michigan thông qua việc giảm chế tài với hành vi tàng trữ cần sa, và 4 ngày sau đó, Sinclair được thả sau buổi chất vấn tại tòa phúc thẩm[192]. Buổi trình diễn đó cũng được thu lại và 2 trong số 4 ca khúc sau này được nằm trong album John Lennon Anthology (1998)[193].

Vì sự kiện Bloody SundayBắc Ireland vào năm 1972 mà trong đó 14 dân thường đã bị sát hại bởi lực lượng quân đội Anh, Lennon đã dứt khoát lựa chọn giữa quân đội và lực lượng IRA (vốn không liên đới tới sự kiện trên) để ông ủng hộ. Lennon cùng Ono sau đó đã viết 2 ca khúc trong album Some Time in New York City là "Luck of the Irish" và "Sunday Bloody Sunday" nhằm phản đối sự can thiệp của quân đội Anh vào các vấn đề ở Ireland. Năm 2000, David Shayler, một cựu nhân viên từng phục vụ cho MI5 đã tiết lộ rằng Lennon đã lén lút cấp tiền cho IRA cho dù Ono từng từ chối điều đó đôi lần[194]. Cây viết sử Bill Harry cho rằng sau sự kiện Bloody Sunday, Lennon và Ono đã tài trợ tài chính cho việc sản xuất bộ phim The Irish Tapes – bộ phim tài liệu viết về những người Cộng hòa ở Ireland[195].

FBI từng tố cáo (và sau này được Tariq Ali khẳng định vào năm 2006) rằng Lennon có liên quan tới tổ chức Cộng sản IMG[gc 15], một nhóm hoạt động theo chủ nghĩa Trotsky ở Anh từ năm 1968[198]. Tuy nhiên, FBI cho rằng Lennon cũng tự kiềm chế mình trước những mong muốn khởi nghĩa kể từ khi ông "thường xuyên chìm đắm trong các cơn mê"[gc 16][199].

Năm 1973, Lennon có viết một bài thơ 5 câu có nhan đề "Why Make it Sad to be Gay?" cho cuốn The Gay Liberation Book của Len Richmond[200].

Hoạt động chính trị cuối cùng mà Lennon muốn tham gia chính là việc ủng hộ nhóm tiểu số công nhân vệ sinh ở San Francisco vào ngày 5 tháng 12 năm 1980. Ông và Ono đã dự định tham gia cuộc biểu tình của họ vào ngày 14 tháng 12[201].

Yêu cầu trục xuất

Với việc sáng tác 2 bài hát "Give Peace a Chance" và "Happy Xmas (War Is Over)" đều gắn liền với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, chính quyền của tổng thống Richard Nixon, nhân lúc hay tin Lennon tổ chức hòa nhạc tại San Diego cùng lúc với Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa[202], đã yêu cầu trục xuất ông. Nixon cho rằng ảnh hưởng của Lennon tới các vấn đề phản chiến có thể khiến ông thất cử[203], và Thượng nghị sĩ Strom Thurmond đã gợi ý vào tháng 2 năm 1972 rằng "việc trục xuất sẽ là một động thái phản công chiến lược"[204] nhằm vào Lennon. Chỉ một tháng sau, Cục Quản lý Nhập cư của Mỹ (INS) bắt đầu thực hiện yêu cầu này, cho rằng việc Lennon bị buộc tội tàng trữ cần saLondon vào năm 1968 là hành vi không thể chấp nhận cho việc nhập cư tại Mỹ. Lennon phải mất tới 3 năm rưỡi nhằm biện hộ chống lại yêu cầu trục xuất này, và tới ngày 8 tháng 10 năm 1975, tòa phúc thẩm tuyên bố: "... tòa án không thể chấp nhận việc trục xuất có chọn lọc mà chỉ dựa vào vài lý do chính trị"[205][98]. Trong lúc cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục, Lennon buộc phải đi tìm sự ủng hộ và xuất hiện trên truyền hình. Ông và Ono cùng tổ chức chương trình Mike Douglas Show vào tháng 2 năm 1972, trong đó có sự tham gia của các khách mời như Jerry Rubin hay Bobby Seale[206]. Vào năm 1972, Bob Dylan đã viết một bức thư gửi tới INS nhằm bảo vệ Lennon:

"John và Ono đã mang tới tiếng hát và định hình tính nghệ thuật của quốc gia. Họ truyền cảm hứng, thúc đẩy, kích thích và cũng chính vì thế, giúp mọi người nhìn thấy thứ ánh sáng tinh khiết và cũng nhờ đó, chấm dứt thứ hương vị nghèo nàn của việc thương mại hóa tầm thường vốn được truyền tải bởi các Nghệ sĩ qua sự tán tụng của truyền thông. Hãy ủng hộ John và Yoko. Hãy để họ sống tại đây và hít thở bầu không khí chung. Đất nước này đủ chỗ cho hai người và cả những căn phòng đẹp. Hãy cho John và Yoko ở lại đây!"[207][208]

Vào ngày 23 tháng 3 năm 1973, Lennon được nhận giấy yêu cầu rời khỏi nước Mỹ trong vòng 60 ngày[209]. Ono thì vẫn được đảm bảo quyền cư trú. Để phản ứng, Lennon và Ono tổ chức buổi họp báo vào ngày 1 tháng 4 tại văn phòng của New York City Bar Association và tuyên bố thành lập quốc gia có tên Nutopia với quốc hiệu "không lãnh thổ, không biên giới, không hộ chiếu, chỉ có người dân"[210]. Cùng tung cờ của Nutopia (với hình 2 chiếc khăn tay), họ yêu cầu quyền tị nạn chính trị tại Mỹ. Buổi họp báo đó được quay lại và sau này được cho vào trong cuốn phim tài liệu The U.S. vs. John Lennon (2006)[211]. Ca khúc "Nutopian International Anthem" trong album Mind Games (1973) của Lennon đã dành hẳn 3 giây mặc niệm cho vấn đề này[212]. Không lâu sau buổi họp báo, scandal chính trị của Nixon bị đưa ra ánh sáng với vụ nghe lén đình đám Watergate ở Washington D.C. Chỉ 14 tháng sau, vị Tổng thống Mỹ này buộc phải tuyên bố từ chức. Người kế nhiệm ông, phó Tổng thống Gerald Ford, không quan tâm nhiều tới việc chống lại Lennon, và cuối cùng lệnh trục xuất được dỡ bỏ vào năm 1975. Một năm sau, tất cả những vấn đề cuối cùng về nhập cư của Lennon đã được giải quyết và ông sau đó được nhận "thẻ xanh" chứng nhận việc cư trú hợp pháp tại đây. Khi Jimmy Carter nhậm chức Tổng thống vào tháng 1 năm 1977, thậm chí đôi vợ chồng còn được ông mời tới gặp gỡ[213].

Kiểm soát từ FBI và những tài liệu mật

Sau cái chết của Lennon, cây viết sử Jon Wiener thu thập được nhiều tài liệu thông qua FOIA[gc 17], xem xét lại các giấy tờ của FBI từ thời kỳ yêu cầu trục xuất[214]. FBI thừa nhận họ giữ 281 trang hồ sơ về Lennon, song từ chối công bố chi tiết vì cho rằng đó là bí mật quốc gia. Năm 1983, Wiener tiến hành kiện FBI với sự giúp đỡ từ cơ quan ACLU[gc 18]miền Nam California. Quá trình tố tụng kéo dài suốt 14 năm cho tới khi FBI buộc phải công bố những trang hồ sơ mật[215]. ACLU, với Wiener làm đại diện, đã thắng kiện tại tòa Sơ thẩm liên bang vào năm 1991[216]. Bộ Tư pháp sau đó liền đệ đơn phúc thẩm lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1992, song tòa án từ chối xem xét vụ việc[217]. Năm 1997, đạo luật mới của Tổng thống Bill Clinton đã quy định rằng các tài liệu này chỉ có thể bị từ chối công bố nếu việc công bố chúng dẫn tới những "thiệt hại có thể nhìn thấy trước được", và cũng vin theo lý do này mà Bộ Tư pháp chỉ cho công bố 10 trong số các tài liệu tranh cãi đó. Wiener cuối cùng cũng cho phát hành khối công việc suốt 14 năm của mình vào tháng 1 năm 2000[217]. Gimme Some Truth: The John Lennon FBI Files bao gồm các tài liệu sao chép và "các bản báo cáo từ những nguồn tin cậy ghi lại chi tiết hoạt động từng ngày của nhà hoạt động phản chiến, các bản cáo trạng từ Nhà Trắng, những ghi chép từ các buổi lên sóng truyền hình của Lennon và cả giấy triệu tập việc Lennon từng bị cảnh sát địa phương bắt vì tàng trữ ma túy"[218]. Câu chuyện này sau đó cũng được đưa vào cuốn tài liệu The U.S. vs. John Lennon. Mười tập tài liệu liên quan tới Lennon mà FBI cho công bố bao gồm những đối đầu giữa cơ quan này và nhà hoạt động hòa bình vào năm 1971 được xếp vào danh mục "bí mật thông tin quốc gia từ một chính phủ nước ngoài với sự tin cậy đảm bảo", cuối cùng được đưa ra công chúng vào tháng 12 năm 2006; và các tài liệu đó không có một dòng nào được chính phủ Anh ghi lại, rằng Lennon là một tội phạm đặc biệt. Một bản sao của các tài liệu đó chỉ là một bức thư được viết bởi một vài nhân vật cánh tả ở Anh mong muốn Lennon có thể đầu tư tài chính cho một thư viện và phòng đọc sách cánh tả[219].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: John_Lennon //nla.gov.au/anbd.aut-an35300092 http://books.google.ca/books?id=2ktN0IS1vFQC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=60Jde3l7WNwC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=7gGr2GolnXoC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=9SISX2yM-VsC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=EvKzN_W-l6oC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=FPPj3e_cQIcC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=HHQqoUcbd8gC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=LJ9Y0YgSE1oC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=Lho3352UOFIC&lpg=P...